Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, văn hóa đọc sẽ tạo nên thứ nguyên liệu quý giá mang tên tri thức để mỗi sinh viên “nhào nặn” một cách sáng tạo...

Chia sẻ tại tại Chương trình Chia sẻ văn hóa đọc và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được tổ chức ngày 14/7 vừa qua, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ ý tưởng của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mà chương trình đã được tổ chức tại Học viện. Chương trình này không chỉ đơn thuần là một hội nghị mà còn có ý nghĩa như là một “sự kiện văn hóa” quan trọng để đưa "Văn hóa đọc” song hành cùng “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” giúp cán bộ viên chức, giảng viên, sinh viên nâng cao nhận thức về sách, mở rộng tầm nhìn, hiểu biết về thế giới, trau dồi kỹ năng, tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề, từ đó sẽ giúp cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo dễ thành công hơn.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại chương trình. Ảnh: Hưng Giang 

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Học viện luôn coi khoa học là sức sống của trường đại học, chất lượng làm nên thương hiệu của Học viện. Học viện luôn coi trọng sự kết nối, chia sẻ, không ngừng đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt Học viện cũng rất quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên trẻ.

Học viện đã và đang xây dựng khoảng trên 30 phòng đọc, có khoảng 50.000 sách in, sách số, tạp chí và kết nối với 100 cơ sở dữ liệu, học liệu tiên tiến trên thế giới, mua quyền truy cập 13 cơ sở dữ liệu trực tiếp; tổ chức nhiều câu lạc bộ sinh viên đọc sách, kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tặng sách về thư viện, các phòng đọc của Học viện.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về văn hóa đọc và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: HVNN 

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, văn hóa đọc sẽ tạo nên thứ nguyên liệu quý giá mang tên tri thức để mỗi sinh viên “nhào nặn” một cách sáng tạo, từ đó tìm ra những ý tưởng khác nhau. Cũng thông qua việc đọc sách, bản thân mỗi sinh viên sẽ tự biết cách  “định vị mình” trong thế giới công nghệ bùng nổ hiện nay. Thay vì thụ động trước thông tin và tri thức, sinh viên  có thể chủ động tìm kiếm những cuốn sách hay, phù hợp để trau dồi tri thức và cảm nhận sự tinh tế của từng trang sách.

Chia sẻ về văn hóa đọc gắn với đổi mới sáng tạo, PGS.TS Ninh Thị Phíp, Phó trưởng khoa Nông học cho biết, Khoa Nông học luôn coi trọng sự kết nối, chia sẻ, không ngừng đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt Khoa Nông học, Học viện cũng rất quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên trẻ.

Cũng theo PGS.TS Ninh Thị Phíp, với nền kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu về chuyên gia nông nghiệp trình độ cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là trong các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước ngày càng nhiều. Ngay từ những năm đầu tiên, Khoa đã chú trọng hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, ý tưởng nghiên cứu.

Khoa kết nối với Doanh Nghiệp (Tập đoàn Pan, Thái Binh Seed, Syngenta, nicotex, Đà Lạt hasfarm…), trong phối hợp đào tạo và thúc đẩy đam mê trong nghiên cứu, khởi nghiệp của sinh viên. Ngoài hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên, Doanh nghiệp cấp kinh phí hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp. Điều này làm cho môi trường học tập và nghiên cứu của sinh viên trở nên thuận lợi và hiện đại, thực tế hơn, giúp  phát triển kỹ năng, kỹ năng khởi nghiệp và khả năng sáng tạo của sinh viên.

Nhiều gương sáng sinh viên trong khoa đã thành công trên con đường công danh. Sinh viên Nguyễn Minh Phương K63 KHCTTT là một trong những sinh viên xuất sắc của khoa đã được chọn làm đại sứ văn hoá đọc toàn quốc với vai trò là người truyền cảm hứng đọc sách tới các bạn học sinh, sinh viên.

Được hỏi về môi trường học tập tại Học viện, sinh viên Lê Đỗ Hà Vân (lớp K65LKTA) Khoa Khoa học xã hội cho biết, tính từ thời điểm bây giờ thì em đã theo học ngành luật của trường Học viện Nông Nghiệp Việt Nam đã 4 năm rồi. Hiện tại, có thể nói rằng Học viện Nông nghiệp Việt Nam có cơ sở vật chất “xịn xò” nhất nhì miền Bắc. Học viện đã đầu tư khá nhiều vào cơ sở vật chất, như các phòng đọc, phòng chờ cho sinh viên, không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Điều này làm cho môi trường học tập và nghiên cứu của em trở nên thuận lợi và hiện đại hơn. Có sự tiếp cận tốt với các cơ sở vật chất này giúp em có thể học tập và nghiên cứu một cách hiệu quả hơn, đồng thời phát triển kỹ năng và khả năng sáng tạo của mình.

Văn hóa đọc sẽ tạo nên thứ nguyên liệu quý giá mang tên tri thức để mỗi sinh viên “nhào nặn” một cách sáng tạo. Ảnh: Hưng Giang 

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bấm nút giới thiệu Không gian đổi mới sáng tạo thuộc Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và đổi mới sáng tạo nhằm kích thích sự sáng tạo, đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đại học đa ngành, trọng điểm quốc gia. Đến nay, Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 100.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 10.000 thạc sỹ và hơn 600 tiến sỹ. Nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và doanh nghiệp.. Với những thành tích trong đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như hợp tác quốc tế, Học viện đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong những thập kỷ qua. Năm 2024, Học viện tuyển sinh 18 nhóm ngành với 43 ngành đào tạo. https://daotao.vnua.edu.vn/xettuyen và https://tuyensinh.vnua.edu.vn.

Nguồn: Hưng Giang - https://nongnghiep.vn/