Xu hướng tất yếu của ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

Ngành chăn nuôi thế giới ngày càng được hiện đại hóa về công nghệ và thương mại hóa vì lợi nhuận với nhiều hệ thống chăn nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất trên quy mô lớn được gọi là chăn nuôi công nghiệp. Phần lớn các sản phẩm thịt, trứng, sữa được bán trong các siêu thị hiện nay trên thế giới được sản xuất bởi các hệ thống chăn nuôi công nghiệp. Theo ước tính hiện có khoảng 74% thịt gia cầm, 43% thịt bò và 68% trứng gia cầm trên thế giới được sản xuất kiểu này.

Công nghệ quyết định năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Ứng dụng CNC là cần thiết để giúp chăn nuôi có năng suất cao, giá thành sản phẩm thấp, nhờ đó mà đáp ứng  được nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật ngày càng tăng của xã hội, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (nhờ đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung cũng như chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc), nâng cao được giá trị gia tăng cho các sản phẩm trồng trọt (dùng làm thức ăn chăn nuôi), đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp/người chăn nuôi, tạo cơ hội khởi nghiệp mới cho các doanh nghiệp địa phương và một số lợi ích khác nữa. Bởi vậy, ứng dụng CNC là một xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Những rủi ro hiện hữu

Việc phát triển những cơ sở chăn nuôi thâm canh quy mô lớn với các công nghệ hiện đại (CNC) được nhập từ nước ngoài vào nhằm đạt được năng suất cao rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả không phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Những trở ngại chính cho việc ứng dụng CNC vào phát triển chăn nuôi có thể kể đến như sau.

-     Rủi ro về kinh tế. Các hệ thống chăn nuôi thâm canh ứng dụng CNC chủ yếu dựa vào con giống, công nghệ và nguyên liệu thức ăn ngoại nhập rất dễ bị rủi ro kinh tế vì phải phụ thuộc quá nhiều vào những thay đổi giá cả và sự sẵn có của các nguồn đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Khủng hoảng về chăn nuôi lợn ở nước ta năm 2017 là một minh chứng rất rõ rệt khi chỉ chú trọng tăng sản lượng chăn nuôi mà không gắn được với chuỗi giá trị toàn cầu để tiêu thụ sản phẩm. Rủi ro về kinh tế cũng có thể là hậu quả của các nguy cơ khác sẽ được đề cập dưới đây.

-     Rủi ro về môi trường sinh thái. Các cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn dễ dẫn đến những vấn đề về môi trường. Đó là vì trong các cơ sở sản xuất như vậy số lượng vật nuôi rất lớn và mật độ nuôi rất cao sẽ sản sinh ra quá nhiều chất thải trong khi không có đủ diện tích trồng cây để tái sử dụng chúng. Các cơ sở chăn nuôi như vậy cũng sẽ làm giảm đa dạng sinh học vì không nuôi những vật nuôi bản địa vốn có sức kháng bệnh rất cao và sử dụng rất tốt các nguồn thức ăn tại chỗ, đặc biệt là các phụ phẩm nông nghiệp.

-     Rủi ro về sức khỏe cộng đồng. Chăn nuôi công nghiệp ứng dụng CNC sử dụng thức ăn công nghiệp được phối trộn theo sự hiểu biết của con người về dinh dưỡng vật nuôi. Các loại thức ăn công nghiệp này không cho được sản phẩm có chất lượng dinh dưỡng và ẩm thực tốt như các loại thức ăn tự nhiên. Mặt khác, trong thức ăn công nghiệp thường có các loại phụ gia, trong đó có thể có những loại có hại cho sức khỏe con người tồn dư trong sản phẩm thực phẩm hay thải ra môi trường. Đó là chưa nói đến nguy cơ ô nhiễm môi trường làm giảm chất lượng cuộc sống cộng đồng.

- Rủi ro về xã hội. Thâm canh chăn nuôi với việc ứng dụng các CNC nhập từ các nước phát triển có nghĩa là sử dụng tối đa các thiết bị tiết kiệm lao động. Điều đó sẽ gây khó khăn, đe dọa sinh kế cho những người nông dân sản xuất nhỏ vì họ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng CNC về các nguồn lực sẵn có cũng như về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Họ cũng có thể không có đủ kỹ năng cần thiết để tham gia vào các công việc sản xuất và quản lý tinh xảo của các doanh nghiệp lớn. Điều này rốt cuộc sẽ dẫn đến việc giảm cơ hội công ăn việc làm ở nông thôn. Do vậy, chăn nuôi ứng dụng CNC có thể mang lợi cho một số ít người có tiềm lực, mang lại nguồn thu cho ngân sách, nhưng với sự trả giá của số đông, những người đó sẽ mất phần lợi của mình đối với các nguồn lợi chung, kể cả hữu hình và vô hình, và mất cơ hội việc làm. Những mâu thuẫn này cùng với việc gây ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến xung đột giữa cư dân với các doanh nghiệp chăn nuôi như vừa qua đã từng xảy ra ở nhiều địa phương.

- Rủi ro về phúc lợi động vật. Quá trình hiện đại hóa về kỹ thuật và thương mại hóa vì lợi nhuận sẽ làm cho chăn nuôi trở nên vô nhân đạo hơn với vật nuôi, tước bỏ đi những phúc lợi cơ bản của chúng. Chăn nuôi ứng dụng CNC thường áp với phương thức nuôi nhốt ở mật độ cao, trại chăn nuôi hoạt động giống như một nhà máy, làm cho vật nuôi phải chịu những đau đớn về thể chất và tinh thần. Điều kiện chăn nuôi công nghiệp không đảm bảo phúc lợi động vật cũng là một nguyên nhân làm cho vật nuôi dễ bị bệnh tật. Hơn nữa, mỗi khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm thì khả năng lây truyền rất nhanh do mật độ nuôi cao. Đó chỉ mới là một vài khía cạnh vi phạm  phúc lợi động vật trong chăn nuôi hiện đại.

Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi bền vững

Do chăn nuôi công nghiệp có tính hai mặt như đã nêu trên nên ngành chăn nuôi thế giới đang nhanh chóng chuyển dịch theo hướng phát triển chăn nuôi thông minh để vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế vừa giảm thiểu được những rủi ro về xã hội, môi trường và phúc lợi của vật nuôi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (Hình 1). Phát triển chăn nuôi bền vững (theo quan điểm của thế kỷ XXI) cần phải đáp ứng được đồng thời bốn yêu cầu sau đây (Hình 2):

 Hình 1. Ưu điểm, hạn chế và xu hướng phát triển của các hệ thống chăn nuôi

1) Phát triển kinh tế (có lợi nhuận cao cho doanh nghiệp/người chăn nuôi và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung);

2) Công bằng xã hội (không làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng và người tiêu dùng);

3) Bảo vệ môi trường (giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học);

4) Đảm bảo phúc lợi động vật (vật nuôi sống thuận tự nhiên, khỏe mạnh về thể chất, thoải mái về tinh thần).

Chỉ có phát triển chăn nuôi bền vững trên cả bốn trụ cột đó trong một nền nông nghiệp thông minh thì mới góp phần hài hòa được mục tiêu “tam nông” ở Việt Nam như đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng đã nêu là “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” (Báo Nhân dân ngày 6/10/2018).

Hình 2. Trụ cột của phát triển chăn nuôi bền vững (tứ trụ) 
Hình 3. Tam nông - tứ trụ - ngũ gia trong phát triển chăn nuôi bền vững 

Do vậy, ứng dụng CNC cần phải hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Các nhóm giải pháp chính có thể như sau:

1)  Ứng dụng CNC đồng bộ đề phát triển chăn nuôi chính xác. Công nghệ cao cần được ứng dụng trên tất cả các phương diện sản xuất (giống, thức ăn, chuồng trại, quản lý chất thải, thú y và quản lý sản xuất-kinh doanh) để hình thành các hệ thống chăn nuôi chính xác nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ các nguồn tài nguyên đầu vào và nguồn chất thải phát sinh từ chăn nuôi tính trên mỗi đơn vị sản phẩm chăn nuôi. 

2) Ứng dụng CNC gắn với kết nối chuỗi giá trị. Người tiêu dùng/thị trường quyết định hoạt động của toàn bộ chuỗi ngành hàng. Ứng dụng CNC phải áp dụng trên tất cả các khâu và giúp kết nối chặt chẽ được toàn chuỗi giá trị để chăn nuôi đáp ứng được chính xác «mệnh lệnh» của từng thị trường cụ thể, từ đó ổn định được sản xuất và tăng được nguồn thu.

3)  Ứng dụng CNC gắn với đổi mới-sáng tạo. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ trên thế giới được thay đổi rất nhanh chóng. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn thuần nhập CNC từ nước ngoài thì mãi mãi vẫn là người đi sau, không đủ sức cạnh tranh khi nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng. Công nghệ ứng dụng không những cần được lựa chọn cẩn trọng mà cần được cải tiến cho phù hợp với các điều kiện chăn nuôi, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của Việt Nam và của từng vùng trong nước. Hiện nay ở nhiều nước phát triển một số công nghệ chăn nuôi vẫn “cao” nhưng đã bị cấm sử dụng hay đang trong giai đoạn quá độ để chấm dứt sử dụng vì những lý do liên quan chủ yếu đến ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm và vi phạm phúc lợi động vật. Nếu không cẩn thận thì ngành chăn nuôi Việt Nam có thể dễ dàng trở thành bẫy rác công nghệ của thế giới. Do vậy, Việt Nam cần đầu tư đào tạo và tạo điều kiện cho các nhà khoa học cùng với các doanh nghiệp không chỉ làm chủ được công nghệ ngoại nhập mà phải biết đổi mới và sáng tạo ra những công nghệ của riêng của Việt Nam để tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập.

4)  Ứng dụng CNC trong chăn nuôi hướng tới phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Ứng dụng CNC vào chăn nuôi cần gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp để phát triển các hệ thống nông nghiệp tuần hoàn nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tất cả các nguồn sinh khối, cho phép khai thác tối đa các nguồn lực tại chỗ, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát tài nguyên, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường.

5)  Ứng dụng CNC có điều kiện dưới sự điều tiết của Nhà nước. Ứng dụng CNC vào chăn nuôi phải hài hòa được lợi ích của tam nông (3N) và đáp ứng được 4 yêu cầu của phát triển chăn nuôi bền vững (TỨ TRỤ). Muốn vậy, việc ứng dụng CNC cần phải có điều kiện, có sự liên kết và hợp tác tích cực của năm Nhà (Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà bank và Nhà khoa học – NGŨ GIA) dưới sự điều tiết của Nhà nước (Hình 3).

GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch

Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam