Tiến bộ kỹ thuật "Xử lý rơm tươi bằng urê làm thức ăn cho trâu bò"
Cập nhật lúc 17:58, Thứ sáu, 26/05/2017 (GMT+7)
Ngày 30 tháng 5 năm 2013 Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-CN-GSL công nhận tiến bộ kỹ thuật “Xử lý rơm tươi bằng urê làm thức ăn cho trâu bò” của nhóm tác giả gồm PGS.TS. Nguyễn Xuân Trạch (chủ trì), PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, PGS. TS. Mai Thị Thơm, ThS. Nguyễn Thị Tú, KS. Lê Văn Ban, KS. Nguyễn Hùng Sơn và KS. Bùi Thị Bích.
Ngày 30 tháng 5 năm 2013 Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-CN-GSL công nhận tiến bộ kỹ thuật “Xử lý rơm tươi bằng urê làm thức ăn cho trâu bò” của nhóm tác giả gồm PGS.TS. Nguyễn Xuân Trạch (chủ trì), PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, PGS. TS. Mai Thị Thơm, ThS. Nguyễn Thị Tú, KS. Lê Văn Ban, KS. Nguyễn Hùng Sơn và KS. Bùi Thị Bích.
Tiến bộ kỹ thuật mới này là kết quả thực hiện đề tài cấp bộ “Xử lý và bảo quản rơm tươi làm thức ăn cho trâu bò» mã số: B2004-32-62 của Bộ GD & ĐT đồng thời có sự hỗ trợ của Dự án hợp tác với Na Uy NUFU 09/02 triển khai trong thời gian 2004-2006. Kết quả nghiên cứu cho thấy kiềm hoá rơm tươi bằng urê cho phép bảo quản được rơm không bị mốc, không bị tổn thất chất hữu cơ, làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hoá, cho phép bò ăn được nhiều rơm hơn và cho năng suất cao hơn so với cho ăn rơm không xử lý. Như vậy, xử lý rơm tươi bằng urê ngay sau khi thu hoạch không những cho phép cải thiện chất lượng dinh dưỡng của rơm mà khắc phục được những hạn chế của việc xử lý rơm khô (tốn nhiều thời gian và lao động phơi rơm trong lúc thời vụ khẩn trương; phụ thuộc nhiều vào thời tiết; mất nhiều chất dinh dưỡng và rơi vãi trong quá trình phơi) nên chắc chắn kỹ thuật mới này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người chăn nuôi khai thác tốt nguồn phụ phẩm dồi dào này để chăn nuôi trâu bò.
Từ kết quả nghiên cứu trên nhóm tác giả đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều địa phương và cơ sở chăn nuôi có quy mô khác nhau. Đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội của việc áp dụng kỹ thuật này ở Tuyên Quang, ông Nguyễn Thọ Lai (Giám đốc TT NC&PT CN bò, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh) cho biết “Việc bảo quản rơm tươi… rất đơn giản, dễ làm, phù hợp với trình độ của người nông dân. Rơm ủ từ 3-6 tháng có màu vàng đậm, mềm; Trâu bò ăn rơm ủ tiêu hoá tốt, lông mượt… Phương pháp bảo quản rơm tươi làm thức ăn cho đàn trâu bò đã giúp cơ sở chăn nuôi bò sữa, các trang trại, các hộ gia đình chăn nuôi có nguồn thức ăn dự trữ trong vụ đông…”.
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây theo đề nghị của chuyên gia Ixraen, kỹ thuật này đã được chuyển giao cho Công ty CP thực phẩm sữa TH ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Sau khi áp dụng rất thành công trên quy mô lớn, ông Hanan Saggi (chuyên gia Ixraen, Giám đốc Trung tâm thức ăn của Công ty TH True Milk) đã có nhận xét (gửi tác giả), trong đó nhấn mạnh“Phương pháp ủ rơm lúa tươi với urê … đã giúp chúng tôi tận dụng được một khối lượng rơm lên tới hàng chục ngàn tấn với hàm lượng đạm tăng cao gấp hơn hai lần so với rơm thông thường… Việc này đã giúp hạ giá thành thức ăn chăn nuôi bò sữa và nhờ đó mà tiết kiệm cho công ty hàng triệu đô la mỗi năm… Việc thu mua rơm rạ làm thức ăn cho bò đã tạo ra được một nguồn thu nhập thêm đáng kể cho người nông dân trồng lúa; …hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trênđồng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái đồng ruộng”.
Nói một cách khác, áp dụng kỹ thuật kiềm hoá rơm tươi bằng urê làm thức ăn chăn nuôi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích về xã hội và môi trường. Chính vì thế Bộ NN&PTNT đã cho phép“Kỹ thuật này được đưa vào áp dụng trong chăn nuôi trâu, bò trên phạm vi cả nước”.