Vừa qua CLB chuyên ngành ASC – Khoa Chăn nuôi đã tổ chức webinar về chủ đề "Tổng quan trong tối ưu quản lý lợn con theo mẹ".

Tham dự chương trình có sự góp mặt của các thầy, cô khoa Chăn nuôi, các bạn cựu thành viên và toàn thể thành viên, cộng tác viên Câu lạc bộ ASC. Buổi chia sẻ được trình bày bởi bạn Nay Viết Đạt và bạn Nguyễn Sỹ Chinh sinh viên K63 Khoa Chăn nuôi, thành viên CLB Chuyên ngành Chăn nuôi – ASC. Hiện hai bạn đang thực tập tại trại lợn Hòa Bình trong khuôn khổ chương trình “Hạt giống tài năng” của Công ty CP GreenFeed Việt Nam phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm thứ nhất. Đặc biệt, có sự chia sẻ của bạn Phạm Kim Cúc – lớp K63 CNTYA, nguyên thực tập sinh tại Đan Mạch - về những kinh nghiệm thực tế tích lũy được khi còn thực tập tại trang trại chăn nuôi lợn nái ở Đan Mạch.

Việc quản lý và chăm sóc lợn nái cũng như lợn con theo mẹ là vấn đề quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn nái. Đây là một chuỗi các vấn đề có liên quan mật thiết đến nhau đòi hỏi người chăn nuôi cũng như cán bộ kỹ thuật và công nhân cần phải nắm vững và thực hiện nghiêm túc. Nội dung các bài trình bày đã mang đến cái nhìn tổng qua nhất về quản lý lợn con giai đoạn theo mẹ bao gồm các vấn đề về giống, dinh dưỡng, hộ lý, và đặc biệt là vấn đề an toàn sinh học trong trang trại chăn nuôi. Để đạt hiệu quả chăn nuôi cao thì người chăn nuôi cần làm tốt các khâu từ việc lựa chọn đàn lợn hậu bị đảm bảo tốt các yêu cầu về điểm thể trạng của lợn cái hậu bị. Trong quá trình chăn nuôi thì yếu tố dinh dưỡng cũng là vấn đề cần phải được chú trọng làm sao cho lợn mang thai ở các giai đoạn ăn khẩu phần ăn cân đối đầy đủ, tránh việc cho ăn quá ít dẫn tới không đủ dinh dưỡng cho thai, cũng như ăn quá nhiều làm lợn nái quá béo. Bên cạnh đó việc cho bú sữa cũng như tập cho lợn con ăn sớm cũng là giải pháp được áp dụng triệt để. Đặc biệt việc áp dụng tốt an toàn sinh học của trang trại cần được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp. Đồng thời, nếu vệ sinh trong trại không được đảm bảo, đặc biệt trong các ô chuồng lợn con theo mẹ sẽ rất dễ dẫn đến hội chứng tiêu chảy, ảnh hưởng rất lớn tới sinh trưởng của lợn con.

Trong buổi chia sẻ, nhiều ý kiến cũng như câu hỏi của các bạn tham gia đã được thảo luận sôi nổi. Mặc dù tổ chức vào buổi tối nhưng rất đông các bạn đã tham gia để tạo nên một buổi chia sẻ đầy bổ ích. Mặc dù rất bận rộn với các công việc trong trại khi đang thực tập nhưng với mong muốn được chia sẻ những hiểu biết và các kiến thức thực tế của mình trong quá trình thực tập và làm việc tại nước ngoài. Các vị khách mời đã hết mình chia sẻ những ưu điểm cũng như các tồn tại mà các bạn nhận thấy khi thực tập. Câu lạc bộ rất mong sẽ tổ chức được nhiều chương trình chia sẻ giống như này hơn nữa. Để không chỉ các bạn sinh viên trong Câu lạc bộ mà các bạn sinh viên khác cũng có thể tham gia và học hỏi. Đồng thời thúc đẩy và tạo tiền đề phát triển tốt hơn nữa cho câu lạc bộ chuyên ngành ASC.

CLB chuyên ngành ASC – Khoa Chăn nuôi