Ngày 11/12/2023, Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi đã tổ chức thành công buổi seminar khoa học tháng 12. Tham dự buổi seminar có sự tham gia của các thầy cô trong nhóm nghiên cứu mạnh và sinh viên Khoa Chăn nuôi.

Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của Th.S Nguyễn Chí Thành với chủ đề: "Đánh giá khả năng sinh trưởng của bò lai F1 (Senepol x (BBB x Lai Zebu) giai đoạn sau cai sữa đến 18 tháng tuổi”. Bài trình bày nêu rõ: ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu về lai tạo giống bò thịt, công thức lại tạo với các giống bò thịt khác nhau như: Charolais, Hereford, Limousin, Simmmental, Santa gertrudis, Abodance, Tarentalse, Droughtmaster, Angus, BBB được tiến hành, tuy nhiên cho đến nay có rất ít số liệu công bố về khả năng sinh sản của bò cái lai F1 hướng thịt, nguyên nhân do chưa đủ điều kiện tổ chức thí nghiệm và thu thập số liệu trong thời gian dài. Nghiên cứu được tiến hành sẽ cung cấp thêm thông tin khả năng sử dụng bò cái lai BBB x Lai Zebu làm bò cái nền trong các công thức lai bò thịt thương phẩm.

Tiếp theo, ThS. Trần Bích Phương đã trình bày bài seminar với chủ đề: “Stress nhiệt ở gia cầm”. Bài trình bày đã đề cập đến khái niệm stress nhiệt, các yếu tố ảnh hưởng đến stress nhiệt, cơ chế điều hòa thân nhiệt ở gia cầm, ảnh hưởng của stress nhiệt đến chăn nuôi gia cầm. Stress nhiệt làm thay đổi hành vi, hệ thần kinh, nội tiết, sinh lý, giảm sức sản xuất của gia cầm. Cụ thể, Stress nhiệt làm khả năng miễn dịch bị suy giảm, stress oxy hóa và cân bằng axit-bazơ dẫn đến giảm lượng thức ăn ăn vào, hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm trọng lượng cơ thể, ảnh hưởng đến chất lượng thịt và chất lượng trứng và làm tăng tỷ lệ tử vong. Để giảm thiểu tác động của stress nhiệt đối với ngành chăn nuôi gia cầm có thể thực hiện một số điều chỉnh trong quản lý chăn nuôi như chuồng trại, dinh dưỡng và cải thiện di truyền.

Sau bài chia sẻ của ThS. Nguyễn Chí Thành và ThS. Trần Bích Phương, các thầy cô trong nhóm nghiên cứu mạnh Giống và công nghệ chăn nuôi đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận về định hướng nghiên cứu tiếp theo của nhóm và những ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều buổi chia sẻ về các chủ đề khác nhau, nhất là những bài trình bày có tính ứng dụng thực tiễn sản xuất như trên.

Nhóm NCM Giống và Công nghệ chăn nuôi