Sáng ngày 14 tháng 3 năm 2025, Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Muyuan, một trong những tập đoàn chăn nuôi lợn hàng đầu thế giới. Cuộc gặp gỡ mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực chăn nuôi hiện đại.

 Khoa Chăn nuôi làm việc với đại diện Tập đoàn Muyuan

Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về các lĩnh vực hợp tác chiến lược, bao gồm:

+   Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chăn nuôi tiên tiến.

+   Tổ chức các chương trình tham quan, học tập và trải nghiệm thực tế.

+   Mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại Tập đoàn Muyuan.

+   Chương trình thực tập hưởng lương tại các trang trại công nghệ cao.

+   Tiếp cận và ứng dụng mô hình Feed - Farm - Food tiên tiến nhất.

Tập đoàn Muyuan được thành lập vào năm 1992 tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, với đơn vị nòng cốt là Muyuan Foods. Sau hơn 30 năm phát triển, Muyuan đã xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, từ chế biến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn đến giết mổ và chế biến thịt lợn. Tính đến nay, tập đoàn sở hữu hơn 300 công ty con và công ty liên kết, hoạt động tại 24 tỉnh, 104 thành phố và 218 quận/huyện trên toàn Trung Quốc. Với lực lượng lao động lên đến 140.000 người, Muyuan quy tụ đội ngũ nhân sự chất lượng cao, bao gồm 40.000 cử nhân, 1.100 thạc sĩ và tiến sĩ, cùng 1.200 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông minh.

 Tập đoàn Muyuan

Về quy mô sản xuất, Muyuan hiện vận hành 1.125 trang trại công nghệ cao, chăn nuôi 45 triệu con lợn. Đặc biệt, từ năm 2020, tập đoàn đã triển khai mô hình trang trại chăn nuôi lợn cao tầng, với 71 tòa nhà được xây dựng, đạt công suất giết mổ 6,5 triệu con/năm tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Nam Kinh, Thành Đô, Hải Khẩu…. Năm 2024, Muyuan ghi nhận sản lượng xuất chuồng lên tới 75,23 triệu con lợn, số lượng giết mổ đạt 13,26 triệu con, tổng doanh thu ước tính 114 tỷ nhân dân tệ.

Sự hợp tác giữa Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Muyuan không chỉ mở ra cơ hội nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong ngành chăn nuôi, mà còn tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, thực tiễn. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bền vững và hiện đại.