Sau hơn một năm hoạt động, Dự án KOICA-VNUA đã có một số ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa Chăn nuôi nói riêng và ngành Chăn nuôi nói chung. Để xem xét tác động tổng thể và giá trị được tạo ra bởi dự án, ngày 23/12/2024, Dự án đã tổ chức một hội nghị, với sự tham gia của các bên liên quan, để lắng nghe quan điểm, phản hồi của họ, đảm bảo đánh giá Dự án một cách toàn diện hơn.

Hội thảo do Dự án “Chương trình nâng cao năng lực đào tạo cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao nguồn nhân lực ngành chăn nuôi Việt Nam” (Dự án KOICA-VNUA) tổ chức vào ngày 23/12, với sự tham dự của các giảng viên, sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Cục Chăn nuôi, chi cục Chăn nuôi thú y, Viện chăn nuôi, và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi thú y.

Các Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh kỷ niệm 

“Chúng tôi tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 để thông tin tới các quý vị những hoạt động và kết quả mà dự án đạt được sau hơn một năm được thành lập. Thông qua hội nghị, tôi mong muốn lắng nghe những phản hồi của đại biểu về những ưu điểm và điểm cần cải tiến để Dự án hoạt động tốt hơn vào những năm tới, góp phần tích cực hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho lĩnh vực chăn nuôi. Từ đó thúc đẩy ngành chăn nuôi ngày càng phát triển”, TS. Bùi Huy Doanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án phát biểu khai mạc.

TS. Bùi Huy Doanh phát biểu khai mạc hội nghị 

TS. Nguyễn Thị Vinh – điều phối viên Dự án đã báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025. Năm 2024, 5 hợp phần của Dự án đều đã có một số kết quả nhất định. Hợp phần 1 (cải thiện hệ thống pháp luật liên quan đến chăn nuôi và chính sách giáo dục đại học): Dự án đã tham vấn kinh nghiệm của chuyên gia Hàn Quốc về luật và chính sách chăn nuôi, và hoàn thiện một báo cáo tư vấn giáo dục đại học. Hợp phần 2 ( Cải thiện chương trình giảng dạy và môi trường giáo dục): Cung cấp chương trình đào tạo của Đại học Konkuk để Khoa Chăn nuôi tham khảo và đối sánh, thiết kế 3 môn học mới và viết 3 bài giảng/giáo trình, hoàn thiện danh sách thiết bị thí nghiệm và thiết bị cho trang trại thông minh để mua trong năm 2026. Hợp phần 3 (Nâng cao năng lực cán bộ Khoa và cơ quan liên quan): cử cán bộ của Khoa đi học dài hạn tại Đại học Konkuk theo chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ, cán bộ của Học viện, Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi thú y địa phương đi tập huấn ngắn hạn tại Hàn Quốc, mở lớp tập huấn về lĩnh vực chăn nuôi tổ chức trong nước, thực hiện 2 nghiên cứu chung giữa Học viện và Đại học Konkuk, tổ chức 1 hội thảo quốc tế. Hợp phần 4 (Khởi nghiệp và việc làm của sinh viên Khoa Chăn nuôi): 5 sinh viên đạt giải cuộc thi Khởi nghiệp năm 2023, 5 sinh viên vào vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp sẽ tổ chức ngày 26/12/2024. Hợp phần 5 (Thành lập và vận hành viện nghiên cứu): hoàn thiện đề án thành lập viện và đưa vào sử dụng 66 thiết bị. Trong năm 2025, Dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động theo kế hoạch được Bộ phê duyệt.

TS. Nguyễn Thị Vinh báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025 

Bà Phạm Thị Kim Dung - Cục Chăn nuôi ghi nhận nỗ lực của Dự án KOICA-VNUA trong thời gian qua. Chỉ hơn một năm sau Lễ khởi động Dự án, ban quản lý và các thành viên của Dự án đã triển khai được nhiều hoạt động và gặt hái một số kết quả tích cực. Bên cạnh những thành công đạt được, hi vọng Dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực chăn nuôi.

 Bà Phạm Thị Kim Dung - Cục Chăn nuôi phát biểu tại Hội nghị

TS. Phạm Doãn Lân – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, Viện Chăn nuôi đã biết tới Dự án từ khi Văn kiện Dự án mới được chắp bút, và chúc mừng Dự án với những kết quả đạt được từ cuối năm 2023 cho tới thời điểm này. Với mục tiêu chung là phát triển ngành chăn nuôi và nhân lực chất lượng cao, Viện Chăn nuôi hi vọng sẽ tiếp tục được đồng hành cùng Dự án trong những hoạt động các năm kế tiếp.

TS. Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng sản xuất chăn nuôi của chúng ta còn một số tồn tại: (1) Tốc độ tăng trưởng còn chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều dịch bệnh, sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi thấp, khó tiếp cận được các thị trường cao cấp; (2)  Ứng dụng công nghệ sản xuất, bảo quản sau giết mổ còn nhiều hạn chế do thiếu tiếp cận được công nghệ, quy mô phù hợp và khả năng đầu tư thấp. Thực trạng này cho thấy, việc nâng cao năng lực giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết, là mục tiêu mà ngành chăn nuôi kiên trì hướng tới đáp ứng, phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của đất nước. Phó Giám đốc trân trọng cảm ơn các đại biểu đã tới tham dự hội nghị tổng kết năm của Dự án, và mong muốn được lắng nghe ý kiến của các đại biểu về việc triển khai Dự án, từ đó Ban Quản lý dự án sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho việc thực hiện các nội trong trong thời gian tiếp theo, mong muốn Dự án sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong việc nâng cao giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho ngành chăn nuôi, gián tiếp tạo ra các sản phẩm chăn nuôi chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính và mở ra cơ hội xuất khẩu trực tiếp tới nhiều nước, đóng góp vào thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến 2030, tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam.

TS. Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Tiếp theo, Hội nghị đã nghe các phản hồi từ giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp và cơ quan quản lý ở địa phương về những ưu điểm và kì vọng về những điểm cải tiến của Dự án. Về phía địa phương, TS. Nguyễn Hữu Thọ - Chi cục Trưởng chi cục Chăn nuôi Thú y Thủy sản tỉnh Bắc Ninh cho biết năm 2024, ông được tham gia chuyến tập huấn ngắn hạn tại Hàn Quốc trong khuôn khổ Dự án, dù thời gian ngắn nhưng đó là một chuyến đi bổ ích, tại đây ông đã thấy chăn nuôi Hàn Quốc rất phát triển, chăn nuôi công nghệ cao từ con giống tới bàn ăn, các trang trại cũng chú trọng việc xử lý môi trường để giảm tối thiểu việc ô nhiễm và cung cấp các sản phẩm an toàn cho người dân. Ông rất hi vọng mang được mô hình chăn nuôi tương tự về địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Thọ phát biểu tại hội nghị 

Về phía sinh viên, các em biết ơn Dự án trong thời gian qua đã hỗ trợ rất nhiều, các em được tư vấn khởi nghiệp, hỗ trợ kinh phí cải tạo câu lạc bộ chuyên ngành, học tiếng Hàn miễn phí. Sinh viên hi vọng Dự án tiếp tục giúp đỡ để các em có cơ hội học kiến thức và kỹ năng cần thiết để sau này trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho ngành chăn nuôi nước nhà.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Bùi Quang Đông – Tổng giám đốc Công ty cổ phần DNA Việt Nam cho biết: doanh nghiệp rất mong dự án có thêm những khóa tập huấn về thức ăn chăn nuôi và chọn giống vật nuôi như năm 2024 để doanh nghiệp được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ nền chăn nuôi tiên tiến Hàn Quốc. Từ đó doanh nghiệp có thể cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ mới, giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành và đặc biệt tạo giá trị gia tăng để có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

 Ông Bùi Quang Đông phát biểu tại hội nghị

Hội nghị tổng kết năm 2024 đã kết thúc tốt đẹp, Dự án đã tổng kết được các ưu và nhược điểm trong hoạt động trong năm 2024 và rút kinh nghiệm cho quá trình vận hành các năm tới.

Toàn cảnh hội nghị