[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Thức ăn chiếm 60-70% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, người làm dinh dưỡng và công thức có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; phải đảm bảo tối ưu cả về chi phí, giá thành thức ăn vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, an toàn toàn cho cả vật nuôi và người tiêu dùng.

Đó là thông tin được chia sẻ trong hội thảo “Dinh dưỡng động vật và công thức thức ăn chăn nuôi” do Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Hoa Kỳ (USSEC – U.S. Soybean Export Council) phối hợp với Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức trong 1,5 ngày (23 và 24/3/2023), tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hội thảo thu hút đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Chăn nuôi và các đối tác của Khoa 

Tham dự hội thảo có lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam); đại diện Hội đồng Đậu nành Hoa Kỳ; cùng nhiều doanh nghiệp thức ăn ăn chăn nuôi, dinh dưỡng.

Tại hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam USSEC và các đối tác đã chia sẻ nhiều nội dung hữu ích, thiết thực về dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi như: Thực trạng & triển vọng ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam; vai trò quan trọng của các nhà dinh dưỡng học & công thức thức ăn trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; lựa chọn và kiểm soát nguyên liệu thô; dinh dưỡng cơ bản cho gia cầm và lợn: Yêu cầu & khuyến cáo về dinh dưỡng; phương pháp lập công thức thức ăn.

PGS.TS Phạm Kim Đăng – Trưởng Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Kim Đăng – Trưởng Khoa Chăn nuôi cho biết, Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi khá phát triển với đàn gia súc, gia cầm lớn; ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đứng đầu Đông Nam Á, năm 2022 đạt 20 triệu tấn. Thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Chính vì vậy, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhu cầu lớn về nhân sự ngành dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi.

PGS.TS Phạm Kim Đăng cũng khẳng định, Khoa Chăn nuôi là một trong những cơ sở đào tạo nhân lực ngành chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm, Khoa cung cấp cho thị trường chăn nuôi khoảng 200 kỹ sư chăn nuôi và Chăn nuôi thú y, chiếm khoản 40-50% nhân lực ngành chăn nuôi của cả nước. Hiện nay, Khoa có 55 cán bộ, giảng viên được đào tạo bài bản từ các nước phát triển.

Trong chương trình đào tạo của Khoa Chăn nuôi có chuyên ngành Dinh dưỡng thức ăn với đội ngũ các giảng viên của Bộ môn đều được đào tạo ở các nước phát triển. Hàng năm, Khoa cung cấp cho thị trường một lượng đáng kể nguồn nhân lực về dinh dưỡng.  Vì vậy, hội thảo được tổ chức cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Khoa đến Bộ môn Dinh dưỡng. Đây là hoạt động quan trọng và thiết thực, giúp cho các cán bộ, sinh viên, các đối tác của Khoa Chăn nuôi có thêm kiến thức, thông tin mới về dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi.

Cũng theo PGS.TS Phạm Kim Đăng, thời gian tới, Khoa Chăn nuôi sẽ đồng hành nhiều hơn với Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ để tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyên sâu liên quan đến dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi cho các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm các chuyên viên thức ăn chăn nuôi tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi.

 Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Cố vấn kỹ thuật mảng thức ăn chăn nuôi USSEC Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Cố vấn kỹ thuật mảng thức ăn chăn nuôi cho biết, USSEC là tổ chức phi lợi nhuận, có vai trò kết nối người mua hàng và bán hàng. Đặc biệt, USSEC hỗ trợ người mua hàng vấn các vấn đề kỹ thuật, để họ nâng cao được năng suất, từ đó nhận ra giá trị của đậu nành Hoa Kỳ so với các nước khác. Hiện nay, với tầm nhìn đưa đậu nành trở thành nguồn dinh dưỡng và năng lượng bền vững, đáng tin cậy trên toàn thế giới, USSEC tập trung vào việc tạo sự khác biệt, nâng cao sở thích và tiếp cận thị trường để sử dụng đậu nành Hoa Kỳ làm thực phẩm cho con người, nuôi trồng thủy sản và thức ăn chăn nuôi ở hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới.

Tại hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam USSEC và các đối tác đều nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng vật nuôi, chuyên viên dinh dưỡng công thức, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi.

Từ dinh dưỡng vật nuôi đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng

Thạc sĩ Jerico Rod S.Calibo, Cố vấn kỹ thuật và dự án khu vực USSEC Đông Nam Á 

Theo Thạc sĩ Jerico Rod S.Calibo, Cố vấn kỹ thuật và dự án khu vực USSEC Đông Nam Á, dinh dưỡng vật nuôi chính là nghiên cứu thành phần và đặc tính của nguyên liệu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, cách nguyên liệu được chuyển hóa trong hệ tiêu hóa và tế bào của thú dạ dày đơn, thú nhai lại và sự lên men ở phần sau của hệ tiêu hóa.

Mục tiêu của dinh dưỡng cho vật nuôi là biết được kiểu gen của vật nuôi, gia cầm và thủy sản để đáp ứng đực nhu cầu sinh sản, tăng trưởng và kháng bệnh.

Dinh dưỡng vật nuôi chính là đáp ứng đủ nhu cầu amino acids (cả cần thiết và không cần thiết), carbohydrates, acid béo, khoáng và vitamins cho vật nuôi thông qua chương trình bổ sung đáp ứng đúng những thiếu hụt từ khâu cơ bản.

 TS, Bác sĩ thú y, Noel B.Lumbo, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học động vật Đại học Los Banos, Phillipines

Còn TS, Bác sĩ thú y, Noel B.Lumbo, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học động vật Đại học Los Banos, Phillipines, cho biết, chất dinh dưỡng được định nghĩa là bất kỳ thành phần thức ăn hoặc nhóm thành phần thức ăn nào của cùng một thành phần chung được bổ sung để hỗ trợ sự sống.

Chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng như cung cấp năng lượng cho các quá trình khác nhau trong cơ thể; cung cấp các nguyên liệu thô cho sự tổng hợp các chất của cơ thể; đóng vai trò như là thành phần cấu trúc; điều chỉnh nhiệt độ cơ thể; hoạt động như coenzyme/cofactor.

Bên cạnh các yếu tố về môi trường, di truyền, sức khỏe đàn gia súc, thì dinh dưỡng vật nuôi quyết định đến lợi nhuận khi chăn nuôi. Và cần quan tâm đến dinh dưỡng vật nuôi, vì nó có thể ảnh hưởng đến đặc tính của sản phẩm chăn nuôi và ảnh hưởng đến việc mua hàng của người tiêu dùng.

Đến vai trò quan trọng của người làm dinh dưỡng và công thức

Theo Thạc sĩ MSc Jerico Rod S.Calibo, Cố vấn kỹ thuật và dự án khu vực USSEC Đông Nam Á, người làm dinh dưỡng cần cung cấp đúng tiêu chuẩn dinh dưỡng của từng loại nguyên liệu; hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi ở từng giai đoạn phát triển; thiết lập được tiêu chuẩn giá trị dinh dưỡng cho từng nguyên liệu sẽ mua; hiểu được cách thiết lập vận hành và các hạn chế; lập công thức dựa trên dinh dưỡng và tăng trưởng của vật nuôi; đánh giá chi phí thức ăn dựa trên sự tăng trưởng của vật nuôi.

Vai trò của người làm dinh dưỡng sẽ có quan hệ với các bộ phận với người làm  kiểm soát chất lượng (phân tích kết quả mẫu nguyên liệu trước khi nhập dữ liệu cơ bản); người thu mua (thu mua nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng đúng hoặc gần đúng với tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu công thức và giá cả công thức, số lượng); người sản xuất (thiết bị, vận hành, hình dạng, viên cám, kích cỡ); nhóm marketing (tình hình ngành, tiếp thị, quảng bá chất lượng, giá cả…); nhóm kế hoạch nguyên liệu (MRP): sử dụng công thức để tính toán nhu cầu dự đoán nguyên liệu và sản xuất cho từng giai đoạn); người làm trại (kiểm soát tăng trưởng, lượng ăn vào, tăng trọng, sản xuất trứng).

Ông nhấn mạnh: “Làm công thức phải linh động – nhưng phải chính xác, thức ăn chiếm 70-80% chi phí sản phẩm chăn nuôi. Và người làm dinh dưỡng công thức có mục tiêu sản xuất chi phí rẻ nhất, nhưng chất lượng nhất và có tính thèm ăn cho vật nuôi”.

Ông cho rằng, người làm dinh dưỡng cần làm việc chính xác với các nguyên tắc, hiểu được nguồn gen vật nuôi, đa dạng chất lượng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu và các quy định của Chính phủ.

Để có công thức thức ăn chăn nuôi tốt, thì cần có nguyên liệu tốt

Trong phần trình bày của mình  ông Nguyễn Tiến Thịnh, Cố vấn kỹ thuật của USSEC Việt Nam, đã cung cấp nhiều thông tin về các nguyên liệu chính cung cấp dinh dưỡng chính cho vật nuôi như: đạm (khô nành, nành nguyên dầu I, bột cá, bột gia cầm, bột thịt xương, cám gạo trích ly, khô cọ, khô hạt bông, khô hướng dương), năng lượng (tấm, khoai mỳ, bắp, cám gạo, lúa mỳ, yến mạch, cám mỳ, dầu cọ, dầu cám gạo, dầu nành, dầu gia cầm); các chất bổ sung dinh dưỡng (DL-Met, L-Met, Liquid-Met, L-Lysine, L-Thr, L-Try, DCP, MDCP, CaCO3, Salt, Premix, Betaine, Choline và các chất bổ sung khác (Enzyme, Chống oxy hóa, Acid hữu cơ, Pre-Probiotic; Hương; Toxin Binder, Màu, khoáng chelate, nâng cao chất lượng thịt, kiểm soát mùi, thảo dược).

Đặc biệt, ông Thịnh cho rằng, việc lựa chọn nguyên liệu cung cấp đạm, năng lượng đáp ứng nhu cầu cho từng loại vật nuôi, từng giai đoạn phát triển và sản xuất. Cần lưu ý những hạn chế của từng loại nguyên liệu và hàm lượng tối đa khi tổ hợp công thức; bổ sung thêm các chất bổ trợ để giúp cân bằng công thức. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các chất phụ gia giúp hỗ trợ tiêu hóa, chất oxy hóa… giúp nâng cao khả năng lưu trữ thức ăn thành phẩm.

Cùng với ông Nguyễn Tiến Thịnh, các chuyên gia của USSEC cũng nhấn mạnh, đậu nành là một trong những nguồn cung cấp axit béo Omega-3 thiết yếu, là nguồn protein lành mạnh và chất béo không bão hòa tốt nhất trên thế giới. Bột đậu nành, thức ăn tinh từ đậu nành, dầu đậu nành, và các loại dầu và protein thực vật khác, có thể thay thế từ một phần cho đến hoàn toàn lượng bột cá trong công thức thức ăn qua đó giảm nhu cầu sự dụng bột cá từ khai thác tự nhiên.

Bên cạnh đó, đạm đậu nành có giá thấp hơn đáng kể so với hầu hết các đạm động vật khác, bao gồm cả bột cá. Giảm chi phí thức ăn là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả và duy trì tính bền vững trong hoạt động chăn nuôi. 

Đậu nành Hoa Kỳ có hàm lượng dinh dưỡng cao đặc biệt với các amino acid không thay thế, có độ đồng đều và ổn định về chất lượng, có chứng chỉ canh tác bền vững SSAP do sử dụng đậu nành Hoa Kỳ sẽ góp phần vào sự phát triển chăn nuôi bền vững.

Trong hội thảo, các bài trình bày và tác giả như sau:

1. Vai trò của người làm dinh dưỡng và công thức thức ăn chăn nuôi – Thạc sĩ Jerrico Rod S.Calibo, MSc – Cố vấn kỹ thuật và dự án khu vực châu Á

2. Lựa chọn nguyên liệu – Thạc sĩ Nguyễn Tiến Thịnh, Cố vấn kỹ thuật mảng thức ăn chăn nuôi USSEC Việt Nam

3. Dinh dưỡng gia cầm cơ bản: Nhu cầu và khuyến nghị về dưỡng chất – TS, Bác sĩ thú y, Noel B.Lumbo, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học động vật, Đại học Los Banos, Phillipines.

TS Rhona Nina R.Reyes trình bày tại hội thảo 
4. Dinh dưỡng về heo nái: Nhu cầu dinh dưỡng và khuyến cáo cho tất cả các giai đoạn nuôi của heo nái – TS Rhona Nina R.Reyes – Trợ lý kỹ thuật Phillipines, USSEC Đông Nam Á.
Ông Matthew Clark – FeedGuys Resources Pte Ltd 

5. Vấn đề cơ bản trong công thức thức ăn chăn nuôi – ông Matthew Clark – FeedGuys Resources Pte Ltd

6. Thực tiễn nuôi dưỡng gia cầm do Tiến sĩ, Bác sĩ Thú y Noel B.Lumbo, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học động vật, Đại học Los Banos, Phillipines.

7. Chương trình thức ăn trong chăn nuôi heo – TS Rhona Nina R.Reyes – Trợ lý kỹ thuật Phillipines, USSEC Đông Nam Á.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo 

HÀ NGÂN - https://nhachannuoi.vn/

Quý độc giả quan tâm đến các bài trình bày tại hội thảo, vui lòng liên hệ với:

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Cố vấn kỹ thuật Hội đồng đậu nành Hoa Kỳ tại Việt Nam

Email: tnguyen@ct.ussec.org