Nguyễn Xuân Trạch - Bùi Hữu Đoàn
Khoa Chăn nuôi
MỞ ĐẦU
Trong Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm 2017 tại khoa Chăn nuôi, GS.TS. NGƯT. Vũ Duy Giảng- Người Thầy tiêu biểu của nhiều thế hệ sinh viên của khoa, khi được BTC mời chi sẻ kinh nghiệm giảng dạy với các nhà giáo, trên bục danh dự, Thầy chia sẻ: “thế hệ chúng tôi, khi giảng dạy đã cố gắng để nói lại trơn tru những điều mà các thầy đã dạy ... nhưng hiện nay mọi thứ đã thay đổi và mong rằng, thế hệ hôm nay phải đổi mới phương pháp để thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới”. Lời tâm sự tâm huyết của Thầy đã ám ảnh chúng tôi suốt thời gian qua.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, môi trường đào tạo đã thay đổi rất nhiều: thư viện đã được đầu tư hàng triệu đô la để mua tài liệu, giáo trình mới; nhiều tạp chí chuyên ngành có uy tín hàng đầu trên thế giới, mạng internet đã được nâng cấp với băng thông rộng, tốc độ cao, giảng đường rộng rãi, có máy lạnh với đầy đủ hệ thống nghe nhìn chất lượng cao. Thế giới và cả nước đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thay đổi như vũ bão... Nhất là, chương trình đào tạo đã thay đổi: nhiều môn học trước đây có trên 90 tiết thì nay chỉ còn 3 tín chỉ (45 tiết). Trong khi đó, nhiều giảng viên vẫn giảng dạy theo cách cố gắng “ chỉ nói lại trơn tru những điều mà các thầy đã dạy”, nhiều sinh viên vẫn tư duy tiếp cận thụ động, thầy dạy, chiếu để trò nghe và chép.
Thực hiện ý tưởng của GS. Vũ Duy Giảng, chúng tôi viết bài này với hy vọng, một lần nữa góp thêm tiếng nói nhỏ bé để thúc đẩy phong trào đổi mới Phương pháp dạy và học tập, với suy nghĩ thiển cận là, mình chưa làm được thì thế hệ sau sẽ làm, nếu không “đi” thì làm sao “đến” được.
1. Sơ lược lịch sử phát triển từ Giáo dục 1.0 đến 4.0.
Education 1.0 bắt đầu được đánh dấu cùng với Cách mạng công nghiệp 1.0, dẫn đến nhu cầu lượng người đi học tăng lên, nhà nước chính thức tham gia vào công cuộc giáo dục quốc dân.
Education 2.0 xuất hiện khi số lượng lớn trường đại học ra đời, gắn với việc phát triển vượt bậc của công nghệ in ấn và xuất bản.
Education 3.0 đánh dấu sự xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng của công nghệ trong lớp học. Đầu thế kỷ 21 này, người ta có thể thấy nhiều lớp học không còn bảng phấn, mà thay vào đó là máy tính cá nhân, phương tiện giảng dạy tương tác. Giáo dục, từ 1.0 đến 3.0 vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc dạy. Thay vì cầm cuốn sách để đọc chép, thì phát bài giảng trên TV, hoặc ngày nay là đưa bài giảng lên Youtube. Nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỉ 21 chứng kiến những cải cách giáo dục theo đường lối “lấy học trò làm trung tâm”, sự tập trung bắt đầu chuyển từ việc “dạy” sang việc “học”.
Giáo dục 4.0 sẽ hướng sự tập trung đến việc học cá nhân hóa triệt để hơn. Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... bao gồm các hệ thống không gian mạng, internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây. Qua đó, tạo ra những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau, tự tổ chức và quản lý.
Có thể phác họa đặc điểm của các nền giáo dục qua bảng so sánh sau:
So sánh các nền giáo dục theo phân chia bằng “gắn chấm”
Đặc điểm
|
Giai đoạn
|
Trước 1980 Giáo dục 1.0
|
1980 Giáo dục 2.0
|
1990 Giáo dục 3.0
|
2000 Giáo dục 4.0
|
Mục đích
|
Giáo dục
|
Tuyển dụng
|
Tạo ra trí thức
|
Sáng tạo và tạo ra giá trị
|
Chương trình đào tạo
|
Đơn ngành (singgle-disciplinary)
|
Liên ngành (singgle-disciplinary)
|
Đa ngành (singgle-disciplinary)
|
Xuyên ngành (singgle-disciplinary)
|
Công nghệ
|
Giấy + bút
|
PC và laptop
|
Internet và thiết bị di động
|
Internet kết nối vạn vật
|
Trình độ kỹ thuật số
|
Người tỵ nạn KT số
|
Dân nhập cư KT số
|
Người bản địa KT số
|
Công dân KT số
|
Giảng dạy
|
Một chiều
|
Hai chiều
|
Nhiều chiều
|
Mọi nơi
|
Đảm bảo chất lượng (CL)
|
CL học thuật
|
CL giảng dạy
|
ĐB CL theo quy định
|
ĐB CL theo nguyên tắc
|
Trường
|
Mô hình offline
|
Mô hình kết hợp offline và online
|
Mạng lưới, hệ thống
|
Hệ sinh thái
|
Đầu ra
|
Người lao động có kỹ năng
|
Người lao động có tri thức
|
Người đồng kiến tạo tri thức
|
Người sáng tạo và khởi nghiệp
|
Nguồn: Minh Châu, 2017
2- Bối cảnh phải thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập
Tình hình giảng dạy trên thế giới
Trong thời đại ngày nay, điều quan trọng của giáo dục không phải là dạy nhiều, mà là học nhiều; nói cách khác phải làm sao để dạy ít nhất nhưng học nhiều nhất; phải biến việc học thành tự học. Theo tác giả Nguyễn Minh Tuấn (2020), trên thế giới, việc dạy học online của họ rất khác chúng ta. Việt Nam dạy trực tuyến để thay thế cho một lớp học truyền thống nhưng cách dạy thì vẫn chỉ là truyền giảng – chưa thực sự có tương tác thầy - trò. Về bản chất cái gọi là học online mà chúng ta đang sử dụng trong khoảng hơn một năm qua là chỉ thay đổi phần vỏ, còn nội dung, phương pháp, tư duy giáo dục v.v. vẫn chưa có sự đổi mới, nghĩa là còn mang nặng tính đối phó hơn là một sự thay đổi có chủ đích lâu dài. Ví dụ, ở Úc học sinh và sinh viên học online là thực hiện những chủ đề/dự án dưới sự hướng dẫn của giáo viên; và các em sẽ phải hoàn thành những chủ đề/dự án ấy, sau đó gửi kết quả về cho giáo viên; buổi học online tiếp theo là để nhận xét, thảo luận, tranh luận về các kết quả này. Nghĩa là không phải kiểu dùng app (ứng dụng) để thầy “giảng bài” và trò ghi chép như chúng ta, vì nó rất nhàm chán và không thể duy trì được sự tập trung chú ý của học sinh, và nhất là nó phản tiến bộ. Với cách làm như thế, giáo dục đã thực sự chuyển trọng tâm sang người học, thật sự lấy học sinh làm trung tâm.
Khi giáo dục thực sự chuyển đổi số, đòi hỏi thầy và trò và cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi cách làm việc và cách tương tác để công nghệ số có chỗ phát huy. Không nên nghĩ quá nhiều về việc “dạy” nữa, thay vào đó hãy nghĩ đến chuyện “học”; thay vì nghĩ nhiều đến “quản lý” hãy tập trung vào “tổ chức”.
Theo tác giả Suresh Neethirajan (2020), vấn đề cần dành nhiều tâm sức bây giờ không phải chỉ nên là khi nào và bằng cách gì để tổ chức dạy và học cho đúng “tiến độ” mà là tính toán về một đường hướng dựa trên tư duy giáo dục tiến bộ song hành với chuyển đổi số tổng thể và toàn diện quá trình giáo dục. Đây không phải là một bài toán tình thế, mà là “chiến lược quốc gia” về giáo dục, nó cần được thúc đẩy và vận hành ngay cả khi dịch bệnh đã đi qua.
Alvin Toffler (dẫn theo Nguyễn Quốc Toàn, 2021) từng nói: "Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không có khả năng học, rồi quên đi chính những thứ mình đã học và tiếp tục học cái mới". Học theo kểu cũ chắc chắn là như thế.
Tình hình trong nước: nhiều thầy cô đã đổi mới, nhưng tỷ lệ dạy và học kiểu cũ vẫn còn cao. Hiện nay, Chính phủ đang hết sức số gắng để ngành công nghệ số nói riêng, ngành Giáo dục nói chung có điều kiện để phát triển. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ phủ sóng toàn quốc, không còn điểm “lõm sóng”; đến cuối năm 2021, các tỉnh phấn đấu mỗi hộ gia đình ít nhất một điện thoại thông minh; đầu năm 2023, 100% người dân sẽ chuyển sang dùng điện thoại thông minh, trước năm 2025, cơ bản mỗi hộ gia một đường Internet cáp quang siêu băng rộng. Chiến lược của Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam lọt vào top 30 thế giới trước năm 2025. Đây là một nỗ lực vô cùng to lớn của ngành Thông tin và Truyền thông đóng góp cho sự phát triển của đất nước, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo.
Theo tác giả Hồ Thị Yến Ly & cs. (2021), kết quả lấy ý kiến cỉa một số trường Đại học và Cao đẳng khối kỹ thuật cho thấy, có 100 % các trường đã áp dụng kết hợp lý thuyết và thực hành, 45,65% dạy theo phương pháp thảo luận theo nhóm và giải quyết vấn đề ; 72,67% dạy học theo dự án; 3,33% dạy học theo mô phỏng. Như vậy là tỷ lệ áp dụng phương pháp giảng dạy thep phương pháp tích cực đã tương đối cao ở khối kỹ thuật, điều này giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập và khả năng thuyết trình, xử lý tình huống tốt hơn. Nếu phải chọn một mũi để đột phá trong giai đoạn 5 năm tới thì ngành giáo dục và đào tạo rất nên cân nhắc chọn chuyển đổi số, coi đây là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược chứ không phải chỉ là giải pháp tình huống ứng phó với Covid hôm nay.
Để được xếp hạng cao trong hệ thống AUN, không có cách nào khác là phải thực hiện theo kiểm định AUN-QA. Theo tiêu chuẩn kiểm định này, hoàn toàn không có chỗ cho phương pháp dạy và học theo phương pháp cũ.
3- Thay đổi thế nào
Theo tác giả Minh Tuấn (2021), cách dạy - học một chiều, thầy giảng - trò ghi cổ truyền từ lâu đã lộ rõ sự bất cập, phi lý và lại càng phi lý khi nền tảng tri thức của nhân loại đang “chứa đầy” trên các “đám mây”, chỉ cần một cái kích chuột là chúng hiện ra trước mắt. "Lấy học sinh làm trung tâm" vốn là slogan được treo từ lâu trong nhà trường. Tuy nhiên trên thực tế, khi người thầy còn đứng trên bục giảng như một nhà truyền đạo thì câu nói thời thượng ấy vẫn chỉ là một khẩu hiệu vô hồn.
Đối với người Thầy
Giảng dạy thời 4.0 là Thầy không đứng trên bục giảng nữa mà phải đứng dưới lớp vì những lý do sau:
i. Tri thức (chân lý) phải đi bằng con đường tự thân ngộ nhập, nếu không đó chỉ là những giáo điều. Nghĩa là, người học phải tự mình khám phá, phát hiện; tự mình “hiểu ra” bằng con đường của lao động trí óc (và cả thể chất nữa). Với tư tưởng đó, lớp học phải là “sân khấu” của người học chứ không phải giáo đường của người giảng.
ii. Chân lý không thể được ban phát như một ân huệ từ kẻ khác; người cần phải trưởng thành là học sinh chứ không phải thầy giáo. Chỉ có thể giao lớp học lại cho người học để học sinh trình bày, thảo luận, phản biện, tranh luận v.v, thì các em mới dần có được sự tự tin khi đứng trước đám đông, có được văn hóa ứng xử trong tranh luận, có được sự sắc bén trong lập luận.
iii. Thầy phải cung cấp: kế hoạch học tập của học phần với những chủ đề cần giải quyết; tư vấn, giới thiệu tài liệu, trợ giúp phương pháp v.v. Người học sẽ tìm hiểu và hình thành quan điểm của mình về những vấn đề ấy.
Buổi học sẽ là buổi thuyết trình và tranh biện của những học sinh trong lớp với nhau. Thầy cô hãy lui về cuối lớp để đóng vai trò cố vấn, và chỉ lên tiếng khi thật sự cần thiết. Lúc ấy, lớp học sẽ trở thành một nơi đầy sinh khí với sự hăng say và quyết liệt của các nhà tri thức trẻ. Tình trạng ngủ gà ngủ gật như hiện nay trong các lớp học mà nhà giáo Hồ Quốc Tuấn (2016) đã từng gọi là “những xác sống giảng đường, sẽ được giải quyết. Người học được đánh thức cả tâm hồn và trí tuệ vốn đã ngủ vùi quá lâu. Dân khí sẽ được từng bước chấn hưng từ giảng đường là như thế.
iv. Vấn đề học và hỏi đã được các cụ nhà ta áp dụng từ lâu, vì vậy, khi khai lý lịch, người ta không ghi là Trình độ kiến thức mà là “Trình độ học vấn (học hỏi)”. Đã học thì phải hỏi, thế mới gọi là học. Kết quả đầu tiên nhìn thấy ngay được đó là việc xóa dần tính nhút nhát, tăng sự tự tin của học trò. Các em sẽ mạnh dạn trình bày và bảo vệ quan điểm của mình; tư duy trở nên mỗi lúc một sắc bén hơn; từ chỗ "cãi nhau" học sinh dần biết tranh luận một cách có văn hóa và đúng trọng tâm. Không những học trò biết « cãi nhau » mà giáo dục để học trò dám và biết « cãi thầy » thì mới thành công (tư duy phản biện). Triết lý “không có thầy đố mày làm nên” là quá lạc hậu rồi.
Dạy học mà đứng dưới lớp để nghe người học cãi nhau, phản biện dựa trên nhu cầu của họ và biết cách tổ chức để người học thực hiện bằng được những nhu cầu của bản thân họ là cả một nghệ thuật. Giáo dục vừa là khoa học vừa là nghệ thuât, vừa là tâm vừa là trí, nó đòi hỏi người dạy phải thật sự tâm huyết, năng động, sáng tạo và phải thay đổi tận gốc phương pháp giảng dạy.
Đối với người học
Trong nền giáo dục tương lai, người học phải có động cơ tự thân; phải biết mình cần cái gì, cần trang bị những hiểu biết và kỹ năng gì và sau đó tìm hiểu bản chất của nó. Học tập cùng nhau, học hỏi lẫn nhau, phương pháp dạy lấy người học là trung tâm, vai trò giảng viên chỉ là người hỗ trợ, hướng dẫn và xây dựng được một cộng đồng học tập cùng chung một ý tưởng, một khát vọng, đó là nền giáo dục 4.0. Sau đó là thực hành, và đó là học hành. Chủ tich Hồ Chí Minh (1947) đã nói: học phải đi đôi với hành. Người nói, một người dù đọc được hàng ngàn hàng vạn cuốn sách, nhưng nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Để đạt được điều đó, người học cần phải:
- Học mọi lúc, mọi nơi (đa dạng địa điểm và thời gian).
- Cá nhân hóa việc học tập: sinh viên phải thích nghi với các công cụ hỗ trợ học tập phù hợp với khả năng của mỗi cá nhân.
- Tự do lựa chọn: mỗi sinh viên đều có thể lựa chọn cho mình một chiến lược học tập của riêng mình với những công cụ học tập mà họ cảm thấy là cần thiết và phù hợp nhất với họ.
- Sinh viên nên sẵn sàng làm quen với các kỹ năng dựa trên dự án trong trường đại học, đó là các kỹ năng quản lý tổ chức.
Một vài gợi ý để người thầy giảng dạy theo phương pháp mới.
Đoạn tuyệt với đọc và trình chiếu giáo trình, nhường bục giảng cho sinh viên và hãy đứng cuối lớp để quan sát và hỗ trợ sinh viên là cách nói ngắn gọn khi áp dụng phương pháp giảng dạy mới, vì giáo trình, bài giảng, sách và TLTK đã được thầy đưa lên web cá nhân rồi, sinh viên chỉ cần kích chuột là thông tin sẽ hiện lên đầy đủ. Thầy chỉ giúp sinh viên định hướng để đọc, hiểu và thảo luận để tìm ra những điều chưa hiểu, những ứng dụng cần thiết.
Lập kế hoạch thảo luận cho từng chương, nêu rõ yêu cầu cần đạt với chương đó, nhất là các yêu cầu ứng dụng và liên hệ thực tiễn.
Nêu rõ cách đánh giá việc học của người học, đó là số câu hỏi và số câu trả lời của từng người. Chất lượng câu hỏi và câu trả lời chính là cơ sở để đánh giá trình độ và sự chuyên cần của sinh viên.
Khuyến khích, động viên kịp thời các nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong lớp và giúp đỡ các em chưa kịp hòa nhập với phương pháp mới và có tính rụt rè.
KẾT LUẬN
Thế giới đã thay đổi và đoạn tuyệt với phương pháp học: thầy dạy, chiếu; trò ghi và xem. Công nghệ đã thay đổi với tốc độ khủng khiếp, diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Hôm nay, một chiếc điện thoại thông minh bỏ túi đã có công lực mạnh hơn cả hệ thống máy tính của tàu vũ trụ Apolo sử dụng cho phi hành đoàn đổ bộ lên mặt trăng (vào năm 1969). Nếu thầy và cả trò không có phương pháp tiếp cận mới, ứng dụng công nghệ số thì không thể “cung ứng nguồn lao động chất lượng cao” cho xã hội.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang hiện đại hóa toàn diện từ cơ sở hạ tầng: thư viện, phòng thí nghiệm, giảng đường, đường truyền internets chất lượng cao..., đại đa số cán bộ được đào tạo bài bản từ các nước phát triển là nền tảng vô cùng quan trọng để áp dụng phương phaps đào tạo mới thời cách mạng công nghiệp 4.0... và nhất là dạy học theo chương trình Đào tạo tín chỉ, Sinh viên học viện Nông nghiệp đang rất hào hứng để được học tập theo phương pháp mới.
Nhóm tác giả chúng tôi mong muốn và tin rằng vấn đề này sẽ sớm trở thành một phong trào với 100% cán bộ giảng dạy nhận thức, thay đổi, triển khai thực hiện để góp phần vào việc thực hiện thành công tầm nhìn, sứ mạng của Học viện và thúc đẩy đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung và đào tạo ngành nông nghiệp nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hồ Chí Minh (1947). Sửa đổi lối làm việc. NXB Sự thật, 1962.
Nguyễn Văn Toàn (2021). Thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. https://daihoclongan.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-chung/1588-thay-doi-phuong-ph%C3%A1p-day-va-hoc-truoc-tac-dong-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html
Minh Tuấn (2021). Năm học mới trong tình hình dịch bệnh.... những câu hỏi lớn về thay đổi tư duy và cách thức tổ chức giáo dục. https://viettimes.vn/khai-giang-va-tu-duy-giao-duc-post148968.html
Minh Tuấn (2021). Người thầy-đạo diễn: phải ở phía sau để 'lấy học sinh làm trung tâm' không còn là câu khẩu hiệu. https://viettimes.vn/nguoi-thay-dao-dien-phai-o-phia-sau-de-lay-hoc-sinh-lam-trung-tam-khong-con-la-cau-khau-hieu-post150022.html. ngày 04/09/2021 - 08:59
Hồ Thị Yến Ly, Đỗ Thị Bích Hồng (2021). Phương pháp dạy và học thời cách mạng công nghệ 4.0. https://123docz.net/document/7215658-phuong-phap-day-va-hoc-thoi-dai-cach-mang-cong-nghe-4-0.htm
Nguyễn Quốc Toàn (2021). Đừng "chờ hết năm Covid-19" mới sống tiếp. Hãy sống như cha mẹ chúng ta trong chiến tranh đã từng sống. https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dung-cho-het-nam-covid19-hay-song-nhu-cha-me-chung-ta-da-tung
Bộ Tiêu chuẩn chất lượng AUN (2019). https://caf.ctu.edu.vn/bo-tieu-chuan-aun/82-tieu-chuan-4-chien-luoc-giang-day-va-hoc-tap.html
Suresh Neethirajan (2021). The role of sensors, big data and machine learning in modern animal farming, 2020. Ajna Consulting, 42 Edwards Street, Guelph, ON N1E 0B3, Canada; Received 2 June 2020, Revised 30 June 2020, Accepted 3 July 2020, Available online 8 July 2020. https://doi.org/10.1016/j.sbsr.2020.100367Get rights and content
Nguyễn Mạnh Hùng (2021). Chuyển đổi số trong giáo dục
https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/bo-truong-nguyen-manh-hung-noi-ve-chuyen-doi-so-giao-duc-770551.html
Hồ Quốc Tuấn (2016). Xác sống’ giảng đường. https://vnexpress.net/xac-song-giang-duong-3857995.html.