Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên rất thuận lợi cho thảm thực vật phát triển. Hiên nay có trên 5.117 loài thực vật dùng làm thuốc, trong đó có 90% loài cây thuốc mọc tự nhiên và 10% loài cây thuốc được trồng. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính trên 120.000 tấn. Gần đây, diện tích trồng một số loài thảo dược cũng gia tăng đáng kể như sacha inchi, hibiscus, bạc hà, diệp hạ châu, dương cam cúc, địa liền, đương quy, đinh lăng, gừng, gấc, hương nhu, hồi, húng chanh, nghệ quế, sả, sâm ngọc linh, xuyên tâm liên… nhằm đáp ứng nhu cầu làm thuốc, thực phẩm chức năng và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), trên 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn nhờ vào hoạt tính sinh học cao của các loại thảo dược để chăm sóc sức khỏe.

Theo xu thế đó, hệ thống chăn nuôi gà nói riêng và chăn nuôi gia súc gia cầm nói chung có sử dụng thảo dược với mục đích thay thế kháng sinh để tạo ra sản phẩm an toàn, sạch và chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đã được hình thành và phát triển ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm theo xu hướng này đã và đang phát triển khá thành công. Ngoài nguồn nguyên liệu khẩu phần cơ bản như cám ngô, cám gạo, cám mạch, cám mỳ, bã bia, khô lạc, khô vừng, khô đậu tương, rau củ các loại,… là thức ăn chính cho vật nuôi, hiện nay một số hộ còn phối trộn các nguồn thảo dược như sacha inchi, đương quy, tỏi đen, tinh nghệ, xạ đen, đơn kim, xạ đen và quế chi.

Về mặt khoa học, thảo dược tự nhiên chứa nhiều loại hoạt tính sinh học có giá trị cao về mặt y học như tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, chống ung thư.... Ví dụ: (i) Rễ sâm đương quy (Angelica sinensis), chứa rất nhiều hoạt chất như saccharide, coumarin, sterol đóng vai trò kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích hệ miễn dịch; (ii) Tỏi đen chứa các hợp chất sulfur hữu cơ, polyphenol, đặc biệt, hàm lượng S-allyl-L-cystein cao có tác dụng chống oxy hóa, giảm cholesterol và tăng cường sức đề kháng; (iii) Tinh bột nghệ chứa hợp chất curcumin, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm tốt; (iv) Quế chi (Cinnamomum cassia) với tinh dầu chứa camphen và andehide xinamic có tác dụng giảm đau, kích thích tiêu hóa, ức chế mạnh sự phát triển của virus và cải thiện chất lượng sản phẩm chăn nuôi; (v) Sacha inchi làm giàu omega-3 trong thịt, trứng và sữa.

Hiện nay một số trang trại chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ đã áp dụng thảo dược nhằm thay thế kháng sinh và tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Chị Thoan chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội là một trong số hộ chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ có sử dụng thảo dược bổ sung vào thức ăn. Chị Thu cho biết, hiện nay chị nuôi gà Ri lai, quy mô mỗi đợt nuôi xung quanh 1000 con, gà được nuôi theo phương thức bán chăn thả (ban ngày thả vườn, ban đêm nhốt trong chuồng có sử dụng đệm lót sinh học) và cho ăn thức ăn bổ sung thảo dược theo kinh nghiệm của chị. Quá trình nuôi chủ trang trại nói không với việc sử dụng kháng sinh và chất kích thích sinh trưởng. Chủ trang trại nhận thấy đàn gà luôn khỏe mạnh hơn và có tốc độ sinh trưởng nhanh. Thịt gà thảo dược mổ ra rất ít mỡ bụng, chất lượng thịt thơm ngon hơn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Gà nuôi từ lúc 1 ngày tuổi và bắt đầu được xuất bán sau 4 tháng tuổi, con trống đạt 2,5-2,8 kg/con và con mái đạt 1,8-2,2 kg/con. Tiêu tốn thức ăn xung quang 3,0-3,2 kg thức ăn/1 kg tăng khối lượng. Nhờ vậy, gà của chủ trang trại bán thường giá cao hơn nhiều lần so với gà nuôi công nghiệp hoặc nuôi sử dụng cám thông thường. Giá gà thường được bán là 150.000 đồng/kg thịt hơi. Chị Thoan cho biết ước mơ của chị là có diện tích đất lớn để mở động phát triển mô hình và thương hiệu trên quy phạm vi cả nước để cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì thế, năm 2022 chị Thoan đã kết nối với TS. Nguyễn Công Oánh, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nghiên cứu hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà thảo và phân tích đánh giá chất lượng thịt gà để tìm ra khẩu phần ăn phù hợp, thời gian nuôi tối ưu để sản xuất ra được thịt gà thơm ngon nhất và đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Đàn gà Ri lai nuôi thí nghiệm 
Mổ khảo sát chất lượng thịt gà 

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Thức ăn dạng bột, tự phối trộn (ngô, khô đỗ tương, cám gạo, bột cá, vi lượng) đảm bảo tiêu hàm lượng chất dinh dưỡng theo khuyến cáo của NRC cho từng giai đoạn phát triển của gà, đồng thời bổ sung 0,5; 1 và 1,5% hỗn hợp thảo dược (đương quy, tỏi, đơn kim, xạ đen, nghệ và quế chi) là phù hợp cho sự phát triển của gà. Tuổi và giới tính có ảnh hưởng đến năng suất thân thịt và chất lượng thịt của gà Ri lai. Tỷ lệ thân thịt giảm và tỷ lệ mỡ bụng tăng đáng kể ở 25 tuần tuổi so với 20 và 16 tuần tuổi, đồng thời các giá trị về năng suất thân thịt ở con trống cao hơn mái, ngoại trừ thịt lườn và mỡ bụng ở mái cao hơn trống. Chất lượng thịt gà ít bị ảnh hưởng bởi tuổi và giới tính, độ dai và màu đỏ tăng theo tuổi. Hàm lượng protein tăng nhưng vật chất khô, lipit và khoáng giảm theo tuổi. Ngoài ra, hàm lượng cholesterol không thay đổi theo tuổi nhưng ở con mái cao hơn con trống. Từ kết quả nghiên cứu trang trại đã lựa chọn được khẩu phần ăn có bổ sung 1% hỗn hơp thảo dược và nuôi 4 tháng xuất chuồng để nâng cao được năng suất, chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi.

TS. Nguyễn Công Oánh-Khoa Chăn nuôi  

Tài liệu tham khảo

Cục Thông tin KH&CN quốc gia (2021). Hoàn thiện quy trình nhân giống một số cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình (nguồn www.most.gov.vn).

Nguyễn Bá Hoạt (2021). Cây làm thuốc ở Việt Nam: Vai trò, hiện trạng và định hướng phát triển bền vững. Hội thảo quốc tế “Dược liệu Châu Á: Tiềm năng, thách thức và cơ hội phát triển” tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 11/12/2021.

Đỗ Tất Lợi (2013). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Khoa học và Kỹ thuật.

Nguyễn Công Oánh,, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thương Thương và Phạm Kim Đăng. Ảnh hưởng của tuổi giết thịt đến năng suất thân thịt và chất lượng thịt của gà Ri lai [Ri×(Ri× Lương Phượng)] nuôi bằng khẩu phần bổ sung thảo dược. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 21, no. 11 (2023): 1435-1345.

Trần Phi Hùng (2021). Khai thác, phát triển và sử dụng dược liệu trong y học cổ truyền Việt Nam. Hội thảo quốc tế “Dược liệu Châu Á: Tiềm năng, thách thức và cơ hội phát triển” tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 11/12/2021.

Trần Văn Ơn (2020). Tài nguyên cây thuốc. Tài liệu giành cho học viên cao học, chuyên ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền. Trường ĐH Dược Hà Nội.